Có một lần, tôi đến một thành phố lạ. Ở cái khách sạn nhỏ có vài người biết nói chút ít tiếng Anh, giống tôi, và nếu hết xà phòng hay cần một cái khăn, tôi có thể nói cho họ biết được. Nhưng khi bước ra đường, thì tôi hoàn toàn không có cách gì để hỏi đường hay nói chuyện với một ai. Tôi cũng không có một cái máy ảnh mang theo người, để ít ra mọi người có lý do để nhìn tôi và gửi tặng một nụ cười mà chiếc máy ảnh sẽ lưu lại. Tôi đi lẫn vào mọi người, vào chợ của họ, ăn trong những cái quán nhỏ nơi tôi không biết tên thức ăn mà gọi… tôi vừa ở trong thành phố đó vừa không ở trong đó vì tôi không hòa vào câu chuyện của mọi người trong đó được. Đó là một cảm giác khó tả, và tôi thích nó hơn là không thích. Có lẽ tôi nhìn thấy nhiều hơn, vì không còn chút bận tâm nào về ngôn ngữ. Khi không có lời để nói và nghe, ngôn ngữ bị tắt đi, thì tôi cũng không bận tâm về ý nghĩa, về lý lẽ. Tôi chỉ ở đó, và lang thang, nhìn cái này cái nọ, và cảm thấy một chút cô đơn nữa. Trong hai tuần ở đó, hình như tôi cũng ít hay nhiều ở bên ngoài lịch sử của chính tôi. Giống như là tôi đi vắng với chính mình, tôi ở một nơi mà con người thường ngày của tôi không biết, không tìm ra tôi để đòi hỏi này nọ.
Rồi tôi về lại thành phố của mình. Một năm sau, khi cảm thấy cô đơn, như hôm nay, tôi lại muốn đi đến một thành phố nơi tôi không hiểu ngôn ngữ của họ và họ không hiểu ngôn ngữ của tôi, cũng không hiểu ngôn ngữ thứ ba, là tiếng Anh. Tôi thích cảm giác lạc loài ở một nơi như vậy hơn là lạc loài ở ngay chính thành phố của mình. Sự lạc loài ở một thành phố lạ là sự lạc loài ở bên ngoài, còn ở thành phố của mình nó ở bên trong. Ở đây, ngồi nói chuyện với bạn bè, mắt nhìn những gương mặt bạn bè, nhưng mắt đã focus ở một nơi nào khác, không một nơi nào cả. Ở đây, ngồi chung bàn với những người tưởng quen mà lạ, nghĩa là không có hy vọng gì người ta còn biết nhau. Ở một thành phố lạ, khi cô đơn, tôi nhớ là tôi có ngày được về nhà. Ở đây thì không.
Sài Gòn và Hà Nội khác một ngày cách đây 10 năm. Khác, cuối cùng, có lẽ chỉ ở một điểm thôi. Xưa người ta có nhiều giấc mơ. Và vì có nhiều giấc mơ, họ có những giấc mơ chung. Nay, những giấc mơ đã tan mất đi nhiều, chỉ còn lại ít ỏi những giấc mơ mơ một mình. Nay người ta sống nhiều mục đích và ít giấc mơ. Đường đi đến mục đích là những con đường ngắn, rõ ràng, và điều đạt được thì cụ thể. Khi đã có mục đích rồi, người ta không còn gì phải lang thang tìm kiếm. Con đường đi theo một giấc mơ thì bất định và dài, vì chân trời của những giấc mơ luôn luôn rộng. Người ta thường tự hỏi mình đang ở nơi nào, đường còn bao xa. Người ta còn tìm kiếm, và khi tìm, người ta nhận ra những người bạn. Đường đi rộng, đủ chỗ để người ta chia nó với kẻ đồng hành. Và đủ dài, để người ta còn thì giờ nhìn nhau, những ánh mắt nhìn không bị sự thờ ơ làm mất nét.
wind_monsoon says
cảm ơn hôm nay 🙂
hoanganh2603 says
bài này hay quá chị Rain a…^^!!
mrhoi says
Tự dưng hôm nay nghe hợp thế, đang nghĩ về thời gian giống tác giả, cảm giác như một giấc mơ vậy
mr ga says
không định nghe nhưng thấy Trịnh lại vào 😀
ngong_do says
Hôm nay, lòng chợt nghe, cả Bảo, Minh hay mình, đều nhớ nhà …
ngong_do says
Cám ơn chị Rain nhiều 😡
kid_of_rain_1708 says
É, sao ai cũng gọi tui là chị hết vậy :))
soup says
lạc lõng ngay trong những suy nghĩ của mình….
hoanganh2603 says
chị có nhớ thư gửi mẹ của cậu con trai ở Nga k? e thấy chị e mình có nhiều điểm chung nên muốn add nick chị để thỉnh thoảng nói chuyện học hỏi kinh nghiệm sống của chị, ko biết có đc ko a?
kid_of_rain_1708 says
Ừa, em add đi, hình như hôm trước em add nhưng không nói gì 😀 Chị có thói quen cứ ai add mà không nói gì thì ignore hết ^^