Năm nào cũng vậy, khắp nơi trên dải đất cong cong hình chữ S này đều có những hoạt động chào đón ngày Thương binh liệt sĩ trong niềm tưởng nhớ thiêng liêng thành kính – nhưng với con – một người trẻ 8X sinh trong thời bình thì dịp 27/7 năm nay đã đến với rất nhiều xúc cảm…
Lần đầu tiên xem lại những thước phim tài liệu về chiến tranh trên truyền hình vào chiều nay, con đã khóc, đã lặng người đi và nước mắt âm thầm rơi lăn trước hình ảnh người mẹ Quảng Bình gồng mình chèo đò trên sông Nhật Lệ dưới trời mưa bom dội xuống của kẻ thù…
Buổi tối, khi đài THVN tường thuật trực tiếp chương trình “Bài ca không quên” tại Quảng Trị, trong đó có một vở kịch ngắn mang tên “Hồn trinh nữ” – kể về những người con gái tuổi mười tám đôi mươi khao khát được yêu được sống, mong mỏi đến ngày hòa bình để trở về nhưng đã anh dũng hi sinh tại hang Tám Cô (tên gọi của hang lánh đạn trên một cung đường đã chôn vùi tám người thanh niên xung phong trong một trận địch rải bom ở Quảng Bình, tháng 11/1972) – thêm một lần nữa nước, mắt con lại tuôn rơi… Và tiếng hát của ca sỹ Cẩm Vân cứ dội vào trong con, ám ảnh ,da diết đến tê lòng:
“ Bài ca tôi không quên tôi không quên những người đã ngã
Bài ca tôi không quên tôi không quên gửi trọn đời cho tất cả
là đồng đội tôi còn ôm súng giữ biên cương.
Bài ca tôi không quên tôi không quên đất rừng xứ lạ
Bài ca tôi không quên tôi không quên bước dồn đường khuya đói lả
gạo hẩm cầm hơi một điếu thuốc cũng chia đôi”…
(Bài ca không quên – Phạm MinhTuấn)
Con khóc, vì những năm trước, con chỉ nghe, chỉ xem những thước phim ấy như một tư liệu về hiện thực chiến tranh, nhưng lần này, con đã cảm, đã thấu được nỗi đau, những mất mát trong mỗi thước phim, mỗi lời ca ấy – nói chính xác hơn là chuyến đi tìm mộ liệt sĩ của chú trong tháng 5 vừa qua ở chiến trường miền Đông Nam Bộ đã cho con cảm được nỗi đau chung của đất nước một thời lửa đạn trước những ngôi mộ chí lặng câm mà con đã đi qua…
Tháng Tư năm 25 tuổi, con đi công tác và lần đầu tiên con đến với Sài Gòn, lần đầu tiên trong đời mình con có một chuyến đi xa như thế… Rồi nghe người quen đi tìm mộ liệt sĩ nói có gặp đâu đó ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Long hay Phước Long gì đó mộ phần có tên tuổi, quê quán như thế – trùng với họ tên và quê quán của chú, con đã dành một ngày Chủ nhật từ Sài Gòn phóng xe về Bình Phước, bắt đầu hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của mình…
Cũng lại là lần đầu tiên, con đi xa như thế bằng phương tiện xe máy, vượt hàng trăm cây số dưới cái nắng tháng 5 phương Nam đổ lửa và dừng lại ở nghĩa trang huyện Bình Long sau hơn bốn giờ đồng hồ. Con đã dò tìm tên chú trên từng bia mộ, và lặng người đi giữa những ngôi mộ câm nín hàng nối hàng nằm san sát bên nhau…
Hàng trăm người con trai con gái đến từ khắp nơi trên đất nước này đều nằm lại nơi đây, từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Sông Bé, Hậu Giang, Cần Thơ… trải dài ra đồng bằng Bắc Bộ như Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Binh, Thái Bình… cho đến tận miền núi trung du phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… Lác đác có những ngôi mộ ghi biển “Phần mộ đã được di chuyển hài cốt”… Con thấy mừng vì những liệt sĩ ấy có lẽ đã được đưa về chăm sóc tại quê hương bản xứ… Song nỗi mừng ấy chỉ thoáng qua trong khoảnh khắc vì vẫn còn đó hàng trăm ngôi mộ nằm lại, cơ hội được trở về quê hương, được đồng đội hay người thân tìm thấy là rất mong manh, mà khả năng vĩnh viễn nằm lại nơi đây là phần nhiều… Nhưng rồi con lại tự an ủi lòng, có lẽ các anh các chị nằm dưới đất sâu kia sẽ có cách nghĩ khác con, khi xương máu đã đổ xuống và nằm lại ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước mình thì nơi đó cũng đều là quê hương xứ sở, lòng đã lặng mà an giấc ngàn thu…
Nhưng dẫu sao những ngôi mộ có tên tuổi, quê quán ấy vẫn còn may mắn hơn những ngôi mộ vô danh bạt ngàn nằm câm nín bên nhau…
Con – một thanh niên sinh ra và lớn lên trong thời bình, chỉ biết đến chiến tranh qua những thước phim, những trang văn người khác kể lại, lần đầu tiên thực sự thấy đau, thấy được sự hủy diệt tàn khốc của chiến tranh khi nghĩ về những ngôi mộ vô danh, về những người con trai con gái tuổi xuân phơi phới, ra đi trong niềm kiêu hãnh, tự hào và hi sinh trong thầm lặng, trăm người như môt khi không một dòng tên tuổi hay quê quán khắc ghi trên bia cho đời sau nhăc nhớ… Rồi còn hàng trăm hàng nghìn những liệt sĩ khác đã ngã xuống trên chiến trường này, trên đất nước này – xương cốt vẫn còn lưu lạc, vất vưởng giữa đất mẹ mênh mông mà chưa có may mắn được tìm thấy, được quy tập về đây để được những người còn sống chăm nom hương khói, ru giấc ngủ bình yên…
Những suy nghĩ, cảm xúc ấy cứ ám ảnh trong con, cùng con xuyên qua bao con đường đất đỏ ngoằn nghoèo giữa bạt ngàn những cánh rừng cao su (mà những gốc cao su lại gợi lên trong con ý niệm được kẻ thù bón bằng một xác người trong chiến tranh) để tìm về nghĩa trang liệt sĩ ở huyện Bình Phước.
Rồi con đã rùng mình khi đọc thấy họ tên, quê quán của chú trên một tấm bia mộ – cái rùng mình vì thấy mình may mắn, hành trình tìm kiếm của con đã đến đích, vì cảm giác hạnh phúc được gặp, được ở gần với một người thân trong gia đình – dẫu con chưa hề biết mặt… Và con còn rùng mình vì những dòng chữ nằm bên dưới họ tên của chú trên bia mộ: “Sinh năm 1955 – Nhập ngũ tháng 8/1973 – Cấp bậc Binh nhất – Đơn vị E271 – Hy sinh 13/12/1974”.
Chú của con hy sinh năm 19 tuổi – cái tuổi còn quá trẻ, bắt đầu cho một đời người với những ước mơ – và hy sinh khi chỉ còn cách thời điểm đất nước hòa bình bốn tháng… Những câu thơ của nhà thơ Phùng Quán bỗng lại vẳng lên trong con với niềm xa xót:
“Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa một lần được hôn…”
Con thắp hương cho chú, cho những ngôi mộ xung quanh – nhưng cũng chỉ được phần nào, cảm thấy mình có lỗi khi không thể thắp được cho tất cả hơn 600 ngôi mộ còn lại nằm trong nghĩa trang này một nén hương… Con lặng người đi, cứ đứng như thế giữa một trưa nắng trước tấm bia tưởng niệm nơi ngôi mộ tập thể của hơn 2000 liệt sĩ, thấy tim mình đập nhanh hơn nơi lồng ngực, lòng cứ rưng rưng… Con bé nhỏ quá – bé nhỏ vô cùng trước sự hy sinh lớn lao nhường kia…
Con biết mình là một người may mắn, hay nói cách khác, có lẽ con đã được hàng trăm hàng nghìn vong hồn liệt sĩ từ hai nghĩa trang trong hành trình tìm kiếm ấy phù hộ để khi kết thúc chuyến công tác của con ở Sài Gòn, con trở về Hà Nội với chiếc ba lô mang hài cốt của chú trên tay. Con biết chú sẽ rất vui khi được trở về nằm giữa quê nhà, đoàn tụ với ông bà tổ tiên – và hẳn hàng trăm hàng nghìn những vong hồn liệt sĩ cả có tên tuổi và vô danh kia cũng vui cùng chú, lấy niềm vui của chú làm niềm vui cho mình…
Con cảm ơn chú, cảm ơn những người đã hy sinh tuổi xuân, xương máu cho đất nước này
Con cám ơn chú, cảm ơn những người con trai con gái đã hi sinh tuổi xuân, hi sinh xương máu cho đất nước này, cảm ơn cuộc hành trình tìm kiếm kia đã cho con được trải nghiệm để lần đầu tiên trong đời con thực sự hiểu và cảm nhận được về nỗi đau và mất mát của chiến tranh cũng như sự oanh liệt, hào hùng của cả một thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập tự do cho dân tộc mình – để ngày hôm nay khi xem những thước phim tài liệu về chiến tranh, khi nghe ca sỹ Cẩm Vân hát “Bài ca không quên”, con đã biết bật khóc…
Hưng Yên, 23h51, 25/07/2009
LƯƠNG ĐÌNH KHOA
nhoc_meo_88hn says
Bố em là 1 thương binh đấy! Em rất tự hào về ông – 1 người cha tuyệt vời …:X
nhoc_meo_88hn says
Đừng nói rằng ta đang khóc nhe..:(
andovan says
Chúng ta mãi mãi không thể nào quên công ơn, xương máu của biết bao chiến sĩ, đồng bào của chúng ta đã anh dũng ngã xuống để chúng ta có thể có một cuộc sống yên bình hôm nay. Ngày hôm nay là ngày mà chúng ta thể hiện sự biết ơn đó, hãy làm những hành động cụ thể …nhất là những người anh hùng ngay canh mình bạn nhe.!
mabeo says
có lẽ chỉ trong những tháng ngày mà lòng người được thử thách như thế ta mới thấu hiểu thế nào là tình đồng đội, là lòng yêu nước