Bạn có nhận ra câu nói này thường xuất hiện ở đâu không? Trong các câu chuyện cổ tích, một câu trả lời chính xác. Có lẽ đây là một câu hỏi quá đơn giản, từ trẻ con cho tới người già ai cũng có thể trả lời được câu hỏi này mà không cần quá 30 giây suy nghĩ. Và cho tới giờ,một trong những hình ảnh mà tôi vẫn ấn tượng nhất đó là trong truyện Tấm Cám, mỗi khi Tấm gặp khó khăn chỉ cần nàng khóc thì ông Bụt sẽ lại xuất hiện và hỏi “Vì sao con khóc?”, tiếp theo đấy ông sẽ dùng phép màu của mình để biến điều ước của Tấm thành hiện thực.
Tôi không thích đọc truyện cổ tích cũng một phần vì như vậy. Những câu chuyện cổ tích sử dụng quá nhiều phép màu, mà cho tới thời điểm này thì tôi chưa từng được chứng kiến phép màu nào hết, phép màu thực sự chứ không phải kiểu phép màu trong mấy trò ảo thuật, nên tôi chẳng tin là có phép màu trên đời. Nhưng bạn có công nhận với tôi rằng những nàng Tấm thời xưa luôn biết dùng nước mắt để làm mủi lòng ông Bụt.
Xét một cách khách quan, tôi nghĩ có lẽ thời ấy ông Bụt nhàn rỗi hơn thời nay hoặc cũng có thể vì hồi ấy ít nàng Tấm hơn nên bất cứ khi nào Tấm khóc, ông Bụt cũng đều có thể xuất hiện. Còn thời nay, bùng nổ dân số dẫn tới những nàng Tấm hoặc na ná Tấm quá nhiều, do vậy ông Bụt cũng chẳng thể lo xuể nữa.
Mặc dù vậy những nàng Tấm thời nay vẫn hay khóc. Chẳng phải vì nàng mong chờ ông Bụt sẽ xuất hiện và hỏi“Vì sao con khóc?”, nàng đã khôn hơn rất nhiều nên biết có khóc nhiều đi chăng nữa thì ông Bụt cũng chả xuất hiện. Nhưng chính nhờ sự khôn hơn rất nhiềuấy nên nàng vẫn biết dùng nước mắt để làm mủi lòng những người na ná ông Bụt khác.
Nước mắt! Tôi nghĩ giá trị của nó rất lớn. Chẳng phải vì tấm gương của Tấm ở trên mà tôi đưa ra nhận định ấy mà điều đó rút ra từ chính những gì đang diễn ra quanh cuộc sống. Tôi là một người không thích khóc và rất ít khóc, nhưng tôi phải công nhận rằng mỗi khi khóc xong, tôi luôn cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Có thể mọi việc vẫn chưa được giải quyết gì, vẫn nằm ở đấy nhưng chí ít tôi đã trút bớt được gánh nặng trong đầu cho đi qua đường nước mắt. Có thể đó chính là lý do vì sao con người thường hay khóc khi cảm thấy bế tắc, nước mắt là liều thuốc làm giảm bớt gánh nặng. Tôi nghĩ, nếu bạn cứ nhịn khóc thì có khi bạn còn bị stress nặng hơn. Con đường ngắn để đi vào tim dường như đâu phải chỉ bằng thức ăn, còn có một con đường khác là nước mắt. Nước mắt có thể lay động trái tim người khác. Nước mắt dễ dàng nhận đượcsự cảm thông, sự đồng cảm giữa mọi người với nhau. Và hẳn nhiên nhiều lúc, nước mắt nhận được sự giúp đỡ của người khác nhiều hơn là lời nói và hành động… Nước mắt thực sự có giá trị rất lớn.
Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy một đứa bé khóc? Thật tội nghiệp. Và bạn sẽ ra vỗ về và hỏi: “Vì sao cháu khóc? Có chuyện gì à?”… Nhưng bạn sẽ nghĩ gì khi gặp một người cố tình khóc trong khi sự việc lại chả có gì đáng để khóc? Tôi có một cô bạn học cấp hai, cô ấy có thể khóc bất cứ lúc nào: bị ngã xe (thật ra là chỉ trày xước tí da), muộn học, một cậu bạn vô tình làm gãy cái thước kẻ (dù cậu ấy đã hứa là sẽ mua đền cái khác), được điểm 9 thay vì điểm 10 (trong khi cả lớp không ai có điểm 10 nào hết)… Ban đầu, mỗi khi cô ấy khóc là chúng tôi đều xúm vào an ủi, dỗ dành. Nhưng dần dần sự vô lý trong những lý do mà cô ấy khóc khiến chúng tôi khó chịu, mặc kệ cho cô ấy ngồi khóc và thầm đặt cho cô ấy một biệt danh là “cá sấu”. Kiểu khóc của cô ấy thậm chí còn được có hẳn cụm từ dành riêng, đó là kiểu khóc ăn vạ. Và thay vì sẽ nhận được nhiều sựcảm thông, giúp đỡ của nhiều người thì nó sẽ khiến cho người khác cảm thấy khó chịu nhiều hơn, mà đã khó chịu thì còn ai muốn giúp đỡ nữa cơ chứ. Nhưng đấy là đối với tôi và những người mặc định được gọi là “bạn bè” đúng nghĩa thì sẽ có suy nghĩ như vậy. Còn với những người mà đang có ý định tăm tia cô bạn ấy chẳng hạn, có khi họ lại thấy hành động khóc lóc ăn vạ đó là dễ thương, yếu đuối cũng nên. Do đó, điều tôi muốn nói không phải là tôi cấm bạn được ăn vạ, tôi chỉ muốn nhắc bạn là bạn có thể ăn vạ nhưng hãy biết chọn đối tượng để ăn vạ chứ đừng đem nước mắt ra để ăn vạ với bất kì ai. Thêm nữa, bạn hãy nhìn vào thái độ của đối phương trước khi có ý định ăn vạ vì có thể kết quả của nó sẽ đi ngượclại với ý muốn của bạn. Khi ấy chính bạn sẽ đánh mất giá trị của những giọtnước mắt và cả giá trị của chính bạn.
Cứ nhìn Tấm thì sẽ thấy, cô ấy luôn biết đâu là thời điểm để khóc. Khóc khi ta thực sự cảm thấy đau, đau ở thể xác hay là đau ở trong tim. Khóc khi bản thân cảm thấy bế tắc, mệt mỏi. Khóc khi ta cần tìm kiếm sự cân bằng. Khóc khi ta cần có sự đồng cảm, sự cảm thông. Khóc khi trước mắt ta luôn có những người na ná ông Bụt có thể dang tay giúp đỡ ta…
Cuộc sống không phải là một bức tranh màu hồng, cuộc sống còn có rất nhiều màu xám. Đâu phải lúc nào ta cũng có thể cười, đôi lúc ta cần phải khóc. Nhưng HÃY BIẾT KHÓC ĐÚNG LÚC, NƯỚC MẮT CỦA BẠN LÀ GIÁ TRỊ.
Trả lời