Khi mùa nước đổ về những cánh đồng cũng là lúc cho cư dân vùng nước nổi đồng bằng sông Cửu Long đi thu lượm lúa ma. Nhìn cây lúa ẻo lả theo con nước không ít người lầm tưởng chúng là cỏ hoang gây hại chứ đâu ngờ đó là hạt gạo thuần khiết ngon lành. Lúa ma thân dài khoảng 2,5m nhưng lũ lớn chúng có thể kéo lóng cho thân dài hơn 5m. Chúng có đặc điểm kỳ lạ, lũ lên nhanh lóng lúa sẽ co bóp lại cho thân dài thêm, lúc này lóng lúa lẹp kép, còn khi lũ nhỏ hay nước lên chậm lóng lúa ngắn và co lại có hình tròn. Dựa vào lóng lúa ma người ta biết nước lũ lên nhanh hay chậm. Hiện nay diện tích lúa ma còn lại rất ít, chỉ có Tràm chim Tam Nông ở tỉnh Đồng Tháp là còn nhiều lúa ma. So với các giống lúa ma vùng lũ Đồng Bằng Sông Cửu Long và thậm chí các cây lúa ma ở Bắc Thái Lan, Miến Điện lúa ma Tràm Chim có đặc điểm nổi trội hơn các cây lúa ma vùng khác là nước lũ cao đến đâu thân lúa cao vượt nước đến đó. Do ưu điểm này mà lúa ma được chọn làm nguồn gien quý tạo giống mới cho bà con trồng trong mùa nước nổi.
Mùa nước nổi qua, gió bấc thổi hiu hiu tới là người dân rủ nhau đi hái lúa ma. Họ đem theo mấy tấm mê bồ căng ra rồi lấy cây tre hoặc cây sào từ sau quất tới cho các bông lúa rơi vào mê bồ. Những hạt lúa rơi vãi sẽ nuôi no bụng các loại chim hoang dã, các hạt còn sót lại được đất phù sa phủ lên đợi tới khi lũ về hạt lúa phá đất nảy mầm thành cây. “Gạo ma” nấu cơm ăn thơm ngon hơn gạo thường, có bất tiện là để lâu hạt gạo mau hư, hôi ẩm. Hạt lúa ma bây giờ được ưu ái bởi lẽ đơn giản: ăn chúng không sợ ngộ độc thuốc trừ sâu, chúng phát triển tự nhiên tự sinh tự diệt không có sự can thiệp của con người, không nhiễm các loại hóa chất, lại trải qua quá trình chống chọi với lũ nên hạt gạo bổ béo, săn chắc là điều tất yếu.
Sự thật kỳ lạ là giống lúa này có sức sống mãnh liệt, đối chọi với từng cơn nước lũ, nhưng chúng lại vô cùng sợ ánh sáng mặt trời. Lúc lúa chín, gặp ánh mặt trời thì rụng, hạt lúa rơi xuống nước một cách tự nhiên, nhờ cái râu chúng ghim xuống bùn non và ẩn nhẫn nằm đó cho đến khi nước rút, qua mùa khô, đến lúc mưa xuống thì nẩy mầm… Để rồi một “thế hệ” lúa khác lại vươn lên.
Trả lời